Bổ sung nước cho cơ thể là điều rất cần thiết cho sức khỏe tổng thể của con người. Tuy nhiên, uống nước trước khi đi ngủ đôi lúc sẽ gây ra một số bất lợi cho giấc ngủ và sức khỏe của bạn.
Bạn cần phải uống đủ nước mỗi ngày để các chức năng cơ thể hoạt động tốt. Trong một ngày, kể cả lúc bạn ngủ ngủ, cơ thể sẽ mất nước qua hơi thở, mồ hôi và hệ tiêu hóa khi bạn đại tiểu tiện.
Nhiều người thường có thói quen uống một ly nước trước khi ngủ để duy trì nước cho cơ thể qua một đêm. Tuy nhiên, các nhà khoa học đang thảo luận về việc uống nước trước khi đi ngủ liệu có thực sự tốt cho sức khỏe hay không?
Gián đoạn chu kỳ giấc ngủ
Uống nhiều nước trước khi đi ngủ có thể làm tăng số lần đi tiểu vào ban đêm, khiến cho giấc ngủ bị gián đoạn.
Lượng nước tiểu thường sẽ giảm dần vào ban đêm, cho phép bạn ngủ liền mạch từ 6–8 tiếng. Thế nhưng, nếu uống một hoặc hai ly nước trước khi đi ngủ, chu kỳ giấc ngủ có thể bị ảnh hưởng.
Nếu bạn ngủ không đủ giấc có thể gây tác động tiêu cực đến sức khỏe tim và là nguyên nhân tiềm năng để phát triển:
- Tăng huyết áp
- Tăng cholesterol
- Tăng cân
Theo Tổ chức Giấc ngủ Quốc gia (National Sleep Foundation), có một nghiên cứu cho thấy người trên 45 tuổi nếu ngủ ít hơn 6 giờ đồng hồ mỗi đêm sẽ tăng nguy cơ bị đột quỵ hoặc đau tim.
Tuổi tác cũng có ảnh hưởng đến giấc ngủ và chu kỳ tiết niệu của bạn. Khi tuổi càng cao thì bàng quang có nhiều khả năng sẽ hoạt động quá mức. Tình trạng này có thể liên quan đến những bệnh lý đang có gây ảnh hưởng đến chức năng bàng quang tiết niệu, ví dụ như suy giảm nhận thức do mất trí nhớ hoặc đột quỵ khiến não khó truyền được tín hiệu đến bàng quang. Đái tháo đường và phì đại tuyến tiền liệt lành tính cũng sẽ ảnh hưởng đến chức năng bàng quang tiết niệu.