Nước ngầm là gì?
“Nước ngầm là một dạng nước ở dưới đất, tích trữ trong các lớp đất đá trầm tích bở rời như cặn, sạn, trong các khe, cát bột kết nứt, hang caxtơ dưới bề mặt trái đất, và có thể khai thác cho các hoạt động sống của con người”.
Theo độ sâu phân bố, có thể chia nước ngầm thành 2 dạng là nước ngầm tầng mặt và nước ngầm tầng sâu. Ðặc điểm chung của nước ngầm là có khả năng di chuyển nhanh trong các lớp đất xốp, tạo thành dòng chảy ngầm theo địa hình.
Nước ngầm tầng mặt thường là không có lớp ngăn cách với địa hình bề mặt. Do vậy, thành phần và mực nước thay đổi nhiều, phụ thuộc vào trạng thái của nước mặt. Loại nước ngầm ở tầng mặt rất dễ bị ô nhiễm.
Nước ngầm tầng sâu thường nằm trong lớp đất đá xốp và được ngăn cách bên trên, phía dưới bởi các lớp không thấm nước. Theo không gian phân bố, 1 lớp nước ngầm tầng sâu thường có 3 vùng chức năng:
- Vùng thu nhận nước
- Vùng chuyển tải nước
- Vùng khai thác nước có áp
Khoảng cách giữa vùng thu nhận và vùng khai thác nước thường các nhau khá xa, từ vài chục km đến vài trăm km. Những lỗ khoan nước ở vùng khai thác thường có áp lực. Ðây cũng là loại nước ngầm có chất lượng tốt và lưu lượng ổn định. Trong các khu vực phát triển đá cacbonat thì thường tồn tại loại nước ngầm caxtơ di chuyển theo các khe nứt caxtơ. Trong các dải cồn cát vùng ven biển thường có những thấu kính nước ngọt nằm trên mực nước biển.